1. Xác định nhu cầu về dự án:
Dự án được khởi xướng để tìm giải pháp cho một vấn đề hoặc khai thác, tận dụng một cơ hội. Đề xuất dự án có thể đến từ bên trong hoặc bên ngoài tổ chức. Nhiều tổ chức có một tiến trình chính thức để xác định nhu cầu cho dự án bao gồm đánh giá nhu cầu ban đầu, nghiên cứu khả thi, kế hoạch dự án sơ bộ,…Một số tổ chức khác có tiến trình xác định tương đối không chính thức và chủ yếu dựa trên mục tiêu của dự án cũng như các yêu cầu của công việc bên trong. Song để dự án có thể được thành lập, dù chính thức hay không chính thức thì các nhà quản lý dự án cũng cần nhận biết nhu cầu và xác định cách thức đáp ứng nhu cầu đó. Nhu cầu dự án nếu xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp có thể xuất phát từ nguyên nhân sau:
· Cơ hội thị trường: Nhu cầu thị trường mà doanh nghiệp có thể đáp ứng để tạo ra lợi nhuận.
· Nhu cầu của doanh nghiệp: Dự án được thực hiện nhằm phát triển doanh nghiệp, tạo ra một sản phẩm hoặc một dịch vụ mới.
· Khách hàng: Khách hàng của tổ chức yêu cầu tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ mới.
· Các tiến bộ trong công nghệ: Công nghệ mới, hiện đại và mang lại giá trị, lợi ích cao hơn công nghệ đang sử dụng.
· Pháp lý: Luật hoặc quy định mới yêu cầu tổ chức thay đổi một số thực tiễn kinh doanh.
· Xã hội: Dự án có thể được sinh ra nhằm giải quyết một vấn đề cộng đồng hoặc văn hóa dựa trên nhu cầu đã được xác định.
2. Nghiên cứu khả thi:
Sau khi xác định được nhu cầu – hình thành khái niệm dự án, một nghiên cứu khả thi được thực hiện để đánh giá khái niệm dự án và xác định xem liệu nhu cầu có thể được đáp ứng trong thực tiễn hay không. Kết quả nghiên cứu khả thi sẽ cho chúng ta biết một số thông tin :
· Ý tưởng về dự án có thể triển khai thành một dự án hay không
· Khái niệm dự án có xứng đáng để tiếp tục hay không
· Ước lượng chi phí và thời gian để hoàn thành dự án
· Đánh giá sơ bộ lợi ích và chi phí để triển khai dự án
· Báo cáo về nhu cầu của tổ chức và cách thức mà dự án có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Nghiên cứu khả thi được thực hiện nhằm chứng minh thực sự có một vấn đề đang tồn tại, hoặc chứng minh cơ hội đang hiện hữu, từ đó quyết định xem dự án có thể được hình thành để giải quyết vấn đề hoặc tận dụng cơ hội đã nêu hay không. Một nghiên cứu khả thi cũng có thể xem xét chi phí của giải pháp trong mối tương quan với lợi ích có thể có được khi thực hiện giải pháp đó.
3. Xác định yêu cầu:
Sau khi đã có ý tưởng rõ ràng về vấn đề hay nhu cầu tiềm ẩn dẫn đến sự ra đời của dự án, chúng ta cũng cần hiểu những gì mà khách hàng yêu cầu hoặc kỳ vọng từ kết quả của dự án. Các yêu cầu có thể chia làm ba loại: yêu cầu về chức năng, yêu cầu kinh doanh và yêu cầu kỹ thuật.
a.Yêu cầu chức năng:
Yêu cầu chức năng xác định những gì mà sản phẩm của dự án sẽ thực hiện. Yêu cầu chức năng tập trung vào vấn đề người sử dụng cuối cùng sẽ tương tác với sản phẩm như thế nào. Ví dụ một hệ thống nhập đơn hàng mới cho nhân viên bán hàng có thể yêu cầu là: hệ thống cần biểu diễn được mức sản phẩm hiện có, in ra báo cáo bán hàng và có chức năng trợ giúp (mỗi sản phẩm có thông tin chi tiết về chi phí, lợi ích, và hình thức sử dụng sản phẩm).
Mặc dù các yêu cầu chức năng được phát biểu rất chung so với các yêu cầu kỹ thuật, song phải rõ ràng. VD: nếu yêu cầu của khách hàng cho rằng hệ thống bán hàng mới cần phải dễ sử dụng. Chúng ta cần làm rõ “dễ sử dụng” có nghĩa là gì? Đó có thể là hệ thống cửa sổ, chức năng trợ giúp hoặc các tiêu chí khác.
b. Yêu cầu kinh doanh:
Kết quả kinh doanh có thể là tăng doanh thu, giảm chi phí chung, hoặc giảm quy mô, mở rộng thị trường,…
c. Yêu cầu kỹ thuật:
Yêu cầu kỹ thuật còn gọi là yêu cầu phi chức năng, là các thuộc tính của sản phẩm sao cho sản phẩm có thể thực hiện được, đáp ứng yêu cầu chức năng. Có nhiều loại yêu cầu kỹ thuật, tùy theo sản phẩm mà dự án tạo ra. Ví dụ yêu cầu kỹ thuật chung bao gồm yêu cầu về tính khả dụng (usability), tính duy trì (maintainability), yêu cầu về pháp lý, yêu cầu hiệu quả, yêu cầu vận hành, yêu cầu an toàn,…Một dự án IT có thể có các yêu cầu kỹ thuật sau:
- Thời gian phản hồi của hệ thống không lâu hơn 5s.
- Hệ thống phải làm việc liên tục 24/24 và 7 ngày trong tuần với mức độ sẵn sàng là 99.5%
- Hệ thống phải vận hành được trên các máy PC và Mac