Mối quan hệ giữa IT và bộ phận kinh doanh: “môi hở răng lạnh”

Có bao giờ máy tính của bạn bị hỏng hóc, bạn đề nghị bộ phận IT sửa chữa và nhận được lời hứa “sẽ sửa chữa ngay”, trong khi đó, bạn lại phải chờ đợi dài cổ? Hãy khoan tức giận mà bớt chút thời gian suy nghĩ đến những khó khăn của họ.

Cơm chẳng lành, canh không ngọt

Chúng ta đều biết rằng trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây, ngành công nghệ thông tin (CNTT) hay vẫn thường được gọi là IT đã và đang phát triển với tốc độ như vũ bão. Tuy nhiên, làm sao để trình độ quản lý theo kịp sự phát triển của ngành lại đang khiến các nhà lãnh đạo phải đau đầu.

Nhiều năm qua, những nhà quản lý doanh nghiệp vẫn luôn trăn trở tìm cách thiết lập mối dung hoà giữa bộ phận IT và các bộ phận khác trong Công ty. Dung hoà ở đây có nghĩa là các nhà quản lý phải bảo đảm sao cho bộ phận IT luôn tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ lợi ích của công việc kinh doanh, đồng thời gây ra ít mâu thuẫn nhất giữa các bên liên quan. Nhằm phấn đấu cho sự dung hoà đó, bản thân đội ngũ nhân sự trong ngành IT đã cố gắng để từ những con người làm công nghệ thuần tuý, trở thành những kỹ sư CNTT nhưng mang tư duy của những nhà kinh doanh. Với quan điểm là những người làm dịch vụ, họ hướng tới quá trình đưa các quyết định dứt khoát nhanh chóng, tạo thuận lợi hết mức cho khách hàng.

Thời gian qua, cho dù thái độ làm việc không ngừng được cải thiện, nhưng IT chưa lúc nào thoát khỏi tiếng là một bộ phận có lắm nhiêu khê. Đó cũng là những điều mà Gary Hamel, chuyên gia chiến lược và là đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến lãnh đạo Luân Đôn (London Business Management Innovation Lab) đã nêu trong bài trả lời phỏng vấn của trang CIO insight:

“Nếu muốn tiến hành nhanh một nghiên cứu nào đó, tôi chân thành khuyên bạn đừng bao giờ dính dáng gì đến bộ phận IT, bởi họ là những người chỉ quen hứa hão. Bạn sẽ không biết đến bao giờ dự án của mình mới được triển khai”. Ngài Hamel kết thúc bài trả lời phỏng vấn với câu: “Từ lâu, trong Công ty, bộ phận IT vẫn được ví như một phòng pháp chế thứ hai khi luôn làm thui chột mọi sáng kiến”.

Những gì mà ngài Hamel nêu ra về thực trạng của bộ phận IT không hoàn toàn sai, chỉ có điều ông đã có một cái nhìn quá phiến diện về bộ phận này.

Đành rằng, người quản lý của các bộ phận khác đã chán ngán với câu cửa miệng “Được rồi, chúng tôi sẽ giải quyết sau…” của bộ phận IT. Nhưng công bằng mà nói, đứng trên góc độ của những người làm IT, chúng ta nên hiểu rằng họ cũng quá mệt mỏi khi cùng một lúc phải tiếp nhận hàng tá yêu cầu liên quan đến IT, mà yêu cầu nào cũng gắn mác cấp bách và đòi hỏi nhân viên IT phải có mặt để xử lý ngay lập tức.

 Câu chuyện của Luke

Nhân đây, chúng ta hãy cùng nghe câu chuyện của một trưởng nhóm IT có tên là Luke. Với đồng nghiệp, Luke là một người có uy tín và duy trì được mối quan hệ khá tốt đẹp.

Trước kia, bộ phận tuyển dụng đã bỏ ra khá nhiều công sức chiêu mộ Luke về làm việc. Sau nhiều lần từ chối khéo, Luke chỉ gật đầu khi đạt được thoả thuận rằng Công ty mới sẽ hết sức tạo điều kiện để Luke quản lý và tạo ra luồng sinh khí mới trong bộ phận mình phụ trách.

Một ngày nọ, Luke nhận ra rằng các cộng sự của mình đã cắt xén quá trình thử nghiệm một hệ thống phân phối mới. Dù hết sức ngỡ ngàng, nhưng do muốn chiều lòng họ, anh đã điều chỉnh một số nguồn lực và phương pháp tính toán cho hệ thống đó, bất chấp việc phải chấp nhận rủi ro lớn hơn.

Hai tuần sau, Luke phát hiện các cộng sự lại chấp nhận giao hàng cho khách khi quá trình thử nghiệm phần mềm mới được phân nửa. Nếu tuân thủ quy trình chuẩn, cho dù nhóm của Luke có làm việc miệt mài suốt cả ngày liên tục trong hàng tuần thì cũng mới chỉ cho ra đời thứ sản phẩm dưới chuẩn mà thôi.

Với lương tâm nghề nghiệp, Luke không muốn mình là con rối trong tay họ thêm một lần nào nữa. Bởi hơn ai hết, anh chính là người chịu trách nhiệm cho danh tiếng của Công ty nói chung và nhóm của anh nói riêng. Anh không thể để mọi thứ bị huỷ hoại chỉ vì một chút lợi nhỏ nhoi.

Đứng trước sự việc này, Luke thấy mình cần phải ngồi họp bàn lại với các bộ phận có liên quan. Sau một cuộc thảo luận khá cởi mở và thẳng thắn, thể hiện rõ quan điểm nghề nghiệp của những người làm kỹ thuật, Luke đã đạt được thỏa hiệp với các cộng sự.

Nếu phân tích sâu xa sự việc, những gì mà những cộng sự của Luke đã và đang làm không hề có chủ đích gây phương hại đến lợi ích của đồng nghiệp tại bộ phận IT. Đơn giản là, họ muốn chỉn chu với tất cả những gì liên quan tới khách hàng, sản phẩm và lợi nhuận mà quên đi quyền lợi và cái khó của những đồng nghiệp làm IT. Mặc dù đã hết sức tránh những va chạm không đáng có, nhưng mối quan hệ giữa Luke và các cộng sự chẳng khác nào cuộc hôn nhân “ông chẳng bà chuộc”. Vết rạn nứt trong mối quan hệ chẳng thể được hàn gắn chỉ bằng vài lời nói hời hợt, cũng giống như việc áp đặt các quy trình và biện pháp chế tài chẳng thể hóa giải nổi mâu thuẫn về lợi ích giữa IT và các bộ phận kinh doanh trong Công ty.

Đoàn kết là sức mạnh

Sự dung hòa ở đây cũng giống như quan hệ hôn nhân. Điều đó chỉ có được dựa trên cơ sở thống nhất quan điểm giữa các bên liên quan, nhằm tạo ra một thể hài hòa, thống nhất lợi ích của bộ phận IT và các phòng ban khác trong Công ty. Thế nhưng, thống nhất quan điểm đồng nghĩa với chia sẻ trách nhiệm. Chỉ có những nhà quản lý uy tín mới có thể đứng ra làm trung gian giải quyết mối bất hòa này.

Ròng rã nhiều năm, các nhân viên IT cũng cố gắng lựa cách cư xử sao cho mối quan hệ thật êm thấm nhưng họ đã nhận ra rằng để tạo sự dung hòa thật sự giữa họ và các bộ phận kinh doanh vẫn là chuyện khó khăn. Đâu đó vẫn âm ỉ sự bằng mặt nhưng không bằng lòng.

Nếu bạn là một nhà quản lý Công ty, vì lợi ích chung, bạn nên đứng ra làm cầu nối cho tiếng nói của IT trong các lĩnh vực kinh doanh của Công ty thêm phần trọng lượng, cho dù quá trình này có thể tốn nhiều thời gian và công sức. Cũng xin lưu ý rằng, ngay cả khi buộc phải đưa ra quyết định một cách chớp nhoáng, thì nhà quản lý các bộ phận khác cũng nên suy nghĩ giây lát để cân nhắc đến những khó khăn của các đồng nghiệp IT.

Suy cho cùng, việc duy trì một mối quan hệ thân tình và khăng khít cũng đều vì mục tiêu chung là đạt kết quả cao nhất trong công việc, phục vụ lợi ích chung cho Công ty.

Trung tâm CNTT

 Theo Harvard Business Online