Tại các quốc gia như Hàn Quốc và Singapore trước đây, hay sau này là Trung Quốc, các công ty đã phát triển theo phương thức học hỏi công nghệ và chấp nhận là người đi sau. Tuy nhiên, cũng có những công ty sẽ trở thành các startup (hoặc đơn thuần là DN đang tồn tại) đi tiên phong về mặt công nghệ và cho ra đời những sản phẩm có tên tuổi và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Mặc dù chiến lược này chỉ thường thấy ở các công ty dẫn đầu tại các quốc gia phát triển như Apple hay Sony, nhưng thực tế đã chứng minh các công ty từ các nền kinh tế mới nổi vẫn có thể thành công nếu theo đuổi các chiến lược thích hợp.
– Thiết lập sự hiện diện tại các thị trường phát triển để đặt các “tai mắt”. Khi thực hiện chiến lược này, DN sẽ hiện diện tại các thị trường phát triển như Mỹ và Tây Âu để có thể học hỏi công nghệ tiên tiến nhất cũng như tiếp cận những người tiêu dùng có khả năng dự báo thị trường tốt nhất, trong khi vẫn sử dụng nguồn cung đầu vào như quản lý và nguyên liệu từ thị trường trong nước (để tiết kiệm chi phí).
Tuy nhiên, chiến lược này đòi hỏi DN phải có nguồn tài chính mạnh để tài trợ cho các hoạt động tại nước ngoài, nguồn nhân lực và khả năng thích hợp nhằm thực hiện hoạt động quảng bá thương hiệu tại đây và tầm nhìn chiến lược dài hạn hơn là những kết quả kinh doanh ngắn hạn.
Có thể thấy các công ty ô tô của Hàn Quốc là một trong những ví dụ điển hình khi họ thiết lập các cơ sở hoạt động tại Mỹ nhằm “nghe ngóng” tình hình tại quốc gia phát triển này và từng bước thâm nhập thị trường quốc tế nhờ nguồn kỹ thuật và thông tin về thị trường.
– Thực hiện M&A các DN nước ngoài. Đây là chiến lược mà các công ty mục tiêu sẽ là các startup, hoặc các công ty hoạt động tại các quốc gia phát triển đang trong tình trạng khó khăn về mặt tài chính hoặc thị trường nhưng lại có sản phẩm nổi bật và có thể được khai thác tốt trên thị trường (thị trường sở tại của DN bị sáp nhập hoặc thị trường nội địa của DN sáp nhập).
Chiến lược này cũng có rủi ro không nhỏ vì tài sản của DN mục tiêu tại các quốc gia phát triển hầu hết là tài sản vô hình (rất khó để định giá trị), trong khi việc quản lý trong một tổ chức đa văn hóa cũng là thách thức không nhỏ cho người chủ mới của DN. Có thể thấy các DN Trung Quốc hiện nay là minh chứng cho chiến lược này khi họ ra sức mua lại các DN tại châu Âu để tiếp cận nguồn kỹ thuật đẳng cấp tại đây.
– Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Các DN ở các quốc gia đang phát triển có thể thực hiện chiến lược này bằng cách chiêu dụ những nhân tài có kiến thức và kỹ năng công nghệ đang làm việc tại các quốc gia phát triển về làm việc cho công ty mình.
Chiến lược này tỏ ra rất thành công tại các nền kinh tế Đông Á khi họ mời gọi các Hàn kiều và Hoa kiều làm việc tại Mỹ và châu Âu về đầu quân cho các công ty nội địa. Khi các nhân sự có kinh nghiệm quốc tế này được tạo cơ hội và điều kiện, họ sẽ giúp lan tỏa nguồn kiến thức và công nghệ cũng như tạo môi trường để hình thành các startup mới.
– Tự đầu tư cho hoạt động R&D hoặc liên minh, liên kết. Ngoài những hoạt động trên, DN có thể trực tiếp tham gia vào hoạt động R&D nhằm tạo ra sản phẩm mới hoặc những đột phá về mặt công nghệ. Công ty có thể tự mình thực hiện hoạt động này hoặc hợp tác với các công ty khác thông qua các hình thức hợp tác chiến lược như tham gia góp vốn với đối tác, hợp tác nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu, hoặc hình thành các liên minh chiến lược với đối thủ, đối tác nhằm tận dụng cơ hội để học hỏi hoặc phát triển kỹ năng mới, công nghệ và sản phẩm mới.
Các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc rất mạnh về khả năng tự nghiên cứu và phát triển công nghệ bằng nguồn tài trợ của chính phủ hoặc các khoản vay và nguồn kinh phí nghiên cứu của DN. Trong khi đó, các công ty Đài Loan lại rất thành công ở khả năng liên minh, liên kết nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển kỹ thuật (do đa phần họ là các công ty nhỏ làm nhà thầu phụ cho các công ty đa quốc gia, ngân sách hạn chế nên họ phải liên minh với nhau).
– Đặt hoạt động R&D tại vùng có thế mạnh về nguồn nhân lực và kỹ thuật nhưng lại thiếu thị trường cho sản phẩm: Chẳng hạn như công ty có thể đặt một số hoạt động sản xuất tại Trung Quốc với các ngành về điện tử và kỹ thuật, tại Nga với các ngành về công nghiệp nặng, và tại Ấn Độ với các ngành về công nghệ thông tin, nhằm tận dụng đội ngũ kỹ sư, nhân lực chất lượng cao nhưng chi phí thấp tại đây làm nguồn lực cho công ty mình.