Dùng RFID để theo dõi tài sản CNTT

 

Trước đây, các nhân viên của ngân hàng Wells Fargo ở thành phố Roseville thuộc bang California (Mỹ) thường xếp hàng tại trung tâm dữ liệu vào cuối mỗi ngày làm việc. Họ đứng đó để chờ đưa máy tính xách  tay của mình cho một nhân viên an ninh, người sẽ đối chiếu số series của máy với danh sách gắn kết nó với tên của người sở hữu nó…

Ông Mike Russo, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách những công nghệ nhận dạng tự động của Wells Fargo, quyết định tìm cách đẩy nhanh tiến trình kiểm tra và cho thử nghiệm công nghệ nhận dạng bằng tần số radio (RFID).

Ông nói: “Chúng tôi gắn thẻ RFID lên máy tính xách tay và đưa hình ảnh người sở hữu nó vào trong cơ sở dữ liệu. Vì thế, tất cả những gì người sử dụng làm là đưa máy tính của mình qua một đầu đọc, và hình ảnh của họ sẽ xuất hiện trên màn hình của nhân viên an ninh”. Hệ thống mới này đã đẩy nhanh quá trình kiểm tra và được ưa thích đến nỗi không lâu sau nó được ứng dụng ở năm trung tâm dữ liệu khác.

Nhanh và chính xác

Sau đó, ông Russo đã bắt đầu tìm cách ứng dụng công nghệ RFID vào những công việc khác. Trong số này, ông dùng công nghệ RFID để thay thế hệ thống mã vạch tốn thời gian được sử dụng trong việc kiểm kê tài sản công nghệ thông tin (CNTT), như máy chủ, tủ mạng, thiết bị chuyển mạch và thiết bị ngoại vi.

Ông Russo nói: “Chúng tôi đã đánh dấu 40.000 tài sản trong những trung tâm dữ liệu chủ chốt cho đến nay. Tiến trình kiểm kê này thường mất đến vài tuần nếu dùng máy quét mã vạch. Nhưng giờ đây, nó có thể được làm xong trong vòng một ngày.”

Ông John Fricke, phụ trách nhân sự của tổ chức Financial Services Technology Consortium (FSTC) tại thành phố New York, cho biết: “Sử dụng RFID, các định chế tài chính đang tiết kiệm được khoảng 90% thời gian trong việc kiểm kê tài sản CNTT”.

FSTC hiện đang làm việc để thiết lập một phương pháp đánh dấu RFID tiêu chuẩn cho tài sản CNTT.  Ông nói: “Các trung tâm dữ liệu thay thế thiết bị trung bình bốn năm một lần, tiêu tốn một số tiền không nhỏ. Khách hàng đang bắt đầu nói với nhà cung cấp dịch vụ rằng nếu anh có thể cung cấp những thiết bị được đánh dấu trước với RFID, chúng tôi sẽ thích mua từ anh hơn”.

Ngoài ra, việc đánh dấu RFID còn có thể giúp cho tiến trình sáp nhập và mua lại trở nên dễ dàng hơn đối với  các tổ chức CNTT. Ông Fricke nói: “Việc tìm ra những tài sản của công ty được mua lại và thẩm tra sự tồn tại của chúng sẽ tốn không ít thời gian và công sức.”

RFID bắt đầu được quan tâm

Trung tâm dữ liệu hiện chỉ mới chiếm một phần rất nhỏ của thị trường theo dõi tài sản bằng công nghệ RFID. Tuy nhiên, khi những công ty sớm ứng dụng nó trong lĩnh vực tài chính báo cáo về những lợi ích kinh tế và an ninh mà công nghệ này mang lại, các nhà lãnh đạo CNTT bắt đầu quan tâm nhiều đến nó.  Công ty ABI Research dự báo rằng việc theo dõi tài sản CNTT sẽ chiếm hơn 10% thị trường RFID vào năm 2013.

Các nhà cung cấp và tích hợp RFID đang thiết kế sản phẩm dành cho trung tâm dữ liệu. Trong khi đó, các nhà cung cấp như IBM và Hewlett-Packard Co. bắt đầu đánh dấu trước thiết bị của mình. Theo trang web của các nhà cung cấp RFID, giá của một hệ thống hoàn chỉnh dành cho một trung tâm dữ liệu có thể khởi đầu ở mức 50.000 đô-la Mỹ.

Ông Bill Conroy, một phó chủ tịch cấp cao của ngân hàng Bank of America Corp., cho rằng việc dùng máy quét mã vạch để theo dõi tài sản vừa mất thời gian vừa không chính xác. Vì thế, vào năm ngoái, ngân hàng này đã chuyển sang sử dụng RFID tại 17 trung tâm dữ liệu của mình. Ông Conroy so sánh: “Với công nghệ mã vạch, chúng tôi phải mất hai tuần để kiểm kê toàn bộ một trung tâm dữ liệu. Giờ đây, chúng tôi có thể làm điều đó trong một ngày, với tỷ lệ chính xác là 100%.”

Dù vậy, ông Mike Russo cũng thừa nhận rằng việc triển khai RFID trong trung tâm dữ liệu không phải là không gặp khó khăn.  Có một số vấn đề cần giải quyết, bao gồm những thách thức trong việc tích hợp công nghệ vào hệ thống theo dõi tài sản, và điều chỉnh lại tiến trình công việc cho trung tâm dữ liệu và nhân viên kiểm toán.

Ông Russo nói: “Có một câu hỏi được đặt ra là liệu có nên điều chỉnh tiến trình công việc hiện hành hoặc loại bỏ chúng và bắt đầu lại từ đầu hay không. Chúng tôi nhận thấy mọi việc sẽ trở nên đơn giản và rõ ràng hơn nếu bắt đầu lại từ đầu, giả như chúng ta chưa từng làm điều này trước đây hơn là tìm cách đưa RFID vào trong một tiến trình đã tồn tại”.