ICTnews – IBM vừa công bố tại Việt Nam 6 hướng dẫn mà các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể áp dụng cho môi trường CNTT để sẵn sàng đối phó với thảm họa tự nhiên hay những nguy cơ gây hại có thể xảy ra.
Theo thống kê của IBM, hàng năm xảy ra hàng loạt thảm họa gây thiệt hại nhiều tỷ đô la như những cơn bão và lốc xoáy tại các miền Trung Tây và Đông Nam nước Mỹ, sóng thần tại Nhật Bản, động đất ở Biển Đông. Trong đó, thảm họa tự nhiên là một trong những rủi ro lớn nhất.
Theo đại diện IBM, để đối phó với những thảm họa tự nhiên trong tương lai, các tổ chức và doanh nghiệp cần lên sẵn một chiến lược trước và sau thảm hoạ để nhanh chóng đối phó và thích ứng với rủi ro, duy trì khả năng truy cập liên tục vào kho dữ liệu phục vụ hoạt động kinh doanh.
“Trước thực tế sự phụ thuộc vào công nghệ ngày càng lớn, nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã chuyển từ mô hình thụ động cũ là hứng chịu tác động và tùy cơ phản ứng, để chuyển sang một mô hình chủ động mới là dự báo và điều chỉnh để giúp chúng ta giảm thiểu được những tác động sau thảm họa”, ông Hàn Quốc Ân, Giám đốc phụ trách bộ phận Dịch vụ công nghệ toàn cầu của IBM Việt Nam nhấn mạnh.
Để đối phó với thảm hoạ tự nhiên trong môi trường CNTT, IBM đã đưa ra các giải pháp tập trung vào 6 vấn đề:
Trước hết, doanh nghiệp nên cân nhắc việc hỗ trợ sơ tán cả nhân viên lẫn gia đình họ khi cần thiết, hỗ trợ tài chính, cung cấp các dịch vụ tư vấn giúp đối phó với thảm họa. Bởi tài sản lớn nhất của nhân viên chính là gia đình họ.
Thứ hai, truyền thông cũng là một yếu tố quan trọng (trong nội bộ doanh nghiệp cũng như với các đối tác, nhà cung cấp, khách hàng, cơ quan báo chí…). Hoạt động truyền thông cần phải kịp thời, rõ ràng và trung thực, bởi nội dung truyền thông sai lệch có thể làm cho tình hình đối phó, khắc phục trong thảm họa trở nên nghiêm trọng hơn.
Tiếp đến là vấn đề sao lưu dữ liệu để đảm bảo dữ liệu của doanh nghiệp luôn có thể truy cập hiệu quả từ địa điểm khôi phục sau thảm họa, trong đó cân nhắc việc sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để lưu trữ dữ liệu quan trọng.
Thứ tư, cần cân nhắc đến “hiệu ứng đô-mi-nô” khi đánh giá rủi ro kinh doanh. Theo đại diện IBM, thực tế từ các thảm họa ở tầm khu vực đã cho thấy những sự cố ban đầu thường dẫn đến nhiều hậu họa khác như: bão kèm mưa to, gió lớn gây lụt lội, đổ nhà, mất điện, gián đoạn hoạt động viễn thông và giao thông.
Thứ năm, lập kế hoạch đối phó với nguy cơ thảm họa có thể kéo dài. Ví dụ, các doanh nghiệp cần xem xét tầm ảnh hưởng nếu sự gián đoạn liên quan đến hạ tầng, mạng, công nghệ hoặc con người kéo dài hơn 3 ngày, hoặc một tuần, trên 2 tuần… để lên các kịch bản chi tiết.
Cuối cùng, lên kế hoạch hành động một cách tổng thể, để đảm bảo mọi cá nhân, mọi bộ phận trong toàn bộ hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp luôn được chuẩn bị sẵn sàng.
Cụ thể hóa giải pháp đối phó với thảm họa nói trên, IBM cũng đề xuất một số giải pháp CNTT bao gồm: Dịch vụ tư vấn tính liên tục trong kinh doanh, dịch vụ tư vấn tối ưu hóa cơ sở hạ tầng mạng, dịch vụ khôi phục cơ sở hạ tầng CNTT từ xa, giải pháp xây dựng trung tâm dữ liệu mô-đun di động, giải pháp máy tính ảo trên nền tảng điện toán đám mây và dịch vụ khôi phục khu vực làm việc, dịch vụ quản lí sao lưu theo mô hình điện toán đám mây thông minh…