10 Xu hướng công nghệ chiến lược cho năm 2016

Các xu hướng công nghệ tạo nên một hiện thực CNTT mới (The new IT Reality) với mạng lưới số (The Digital Mesh) những thiết bị thông minh (Smart Machines)… là một vài điểm nhấn trong “10 Xu hướng công nghệ chiến lược cho năm 2016.

Các xu hướng này được hãng nghiên cứu Gartner trình bày tại hội thảo triển lãm (Symposium/Itxpo) tháng 10 vừa qua ở Orlando. Dưới đây là tóm tắt của các xu hướng đó:

Mạng lưới thiết bị (Device Mesh)

Ông David Cearley-Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu Gartner, cho rằng: “Trong thế giới hậu-di động, sự tập trung chuyển dịch của người sử dụng điện thoại di động được bao quanh bởi một mạng lưới các thiết bị mở rộng vượt ra ngoài các thiết bị di động truyền thống”.

Các thiết bị lưới bao gồm các thiết bị di động, thiết bị đeo (wearable), thiết bị tiêu dùng và  điện tử, thiết bị ô tô và các thiết bị môi trường – các cảm biến trong Internet of Things (IoT).

Một loạt các xu hướng khác nhau dẫn đến sự  gia tăng các bộ cảm biến nhúng trong nhiều công nghệ và các thiết bị mà chúng ta sử dụng cho cá nhân hoặc cho công việc. Thiết bị trở nên thông minh hơn khi nó thu thập thêm dữ liệu các mẫu hàng ngày của chúng ta. Gartner dự đoán rằng các cảm biến này trước đây được sử dụng trong các thiết bị đo xăng dầu, điện kế, xe cộ thì nay “mở rộng phạm vi” sang cả các hoạt động mang tính cá nhân, mang lại những hiểu biết nhiều hơn về hoạt động hàng ngày của chúng ta từ việc ăn, ngủ, tập thể thao, hoạt động, giải trí, học tập, làm việc….

Trải nghiệm người dùng theo ngữ cảnh (Ambient User Experience)

Gartner đề cập đến các thiết bị và khả năng cảm biến thu thập thêm dữ liệu theo ngữ cảnh. Thách thức là thiết kế những ứng dụng có thể dự đoán mức độ đồng bộ và cộng tác giữa các thiết bị, vì đang thiếu các chuẩn chung trong lĩnh vực IoT. Gartner cho  rằng các thiết bị cảm biến  sẽ trở nên thông minh hơn và có thể tổ chức tốt cuộc sống của mọi người mà chúng ta không nhận thấy sự hiện diện của nó.

Công nghệ kỹ thuật số xóa các giới hạn của sự tồn tại vật lý, đẩy trải nghệm người dùng lên một cấp độ hoàn toàn mới. Thực tại ảo và thực tế tăng cường trở thành người bạn đồng hành hoàn hảo cho các công ty, thương hiệu cung cấp các trải nghiệm nhập vai, và thu hút khách hàng thông qua cảm xúc. Trải nghiệm người dùng theo ngữ cảnh bảo đảm tính liên tục, và chúng sẽ liên tục trôi chảy qua các thiết bị và các kênh tương tác khi người dùng di chuyển từ môi trường vật lý thực vào môi trường ảo.

In 3D (3D Printing)

Mặc dù không phải là một xu hướng mới, in 3D bây giờ được các công ty như Tesla sử dụng để thiết kế và chế tạo các bộ phận động cơ, SpaceX  sử dụng để tạo ra các bộ phận tên lửa.

In 3D sẽ có giá cả phải chăng hơn. Tiến bộ công nghệ sẽ cho phép in 3D được sử dụng trên một loạt các vật liệu, với các ứng dụng thực tế trong các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả hàng không vũ trụ, y tế, ô tô, năng lượng và quân đội. Chúng ta sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm là 64,1 % cho đến năm 2019. Ứng dụng 3D sẽ phát triển hơn trong các công nghệ vật liệu sinh học và thực phẩm.

Thông tin của Sự vật (Information of Things)

Theo Gartner, năm 2020 sẽ có 25 tỷ thiết bị tạo ra dữ liệu về gần như mọi thể loại. Cơ hội và thách thức gần ngang nhau. Sẽ có rất nhiều các dữ liệu, nhưng hiểu được  ý nghĩa của nó hay làm nó trở nên hữu dụng sẽ cần nhiều đến phân tích dữ liệu (Data Analytics). Những công ty khai thác sức mạnh của đợt thủy triều thông tin sẽ qua mặt đối thủ cạnh tranh trong tiến trình này.

Lĩnh vực máy học cao cấp (Advanced Machine Learning)

Ở một mức độ ngày càng tăng, công nghệ này sẽ có thể không chỉ thu thập thông tin mà còn  tìm hiểu học hỏi dựa trên những thông tin đó. Trong quá trình này, phần lớn các phân tích ban đầu thường do con người thực hiện có thể được đảm nhiệm bởi máy móc, dẫn đến việc nâng cao hiệu quả phân tích. Kết quả là vẫn cần sự phân tích của người nhưng con người sẽ cần phải tham gia ở mức độ cao hơn.

Các tác nhân hay sự vật tự vận hành (Autonomous Agents and Things)

Các khả năng mà Robot có thể làm chủ và dần dần vượt qua con người trong việc thực hiện nhiệm vụ của con người sẽ tăng lên nhanh chóng. Ví dụ nổi bật nhất là xe tự hành (autonomous driving car), đó là sự vận dụng việc học hỏi của máy từ các phương tiện tự hành được sử dụng trong những môi trường có kiểm soát trong nhiều năm qua. Thành phố Masdar ở United Arab Emirates là một môi trường có kiểm soát như vậy. Và việc ứng dụng tương tự sẽ dịch chuyển từ môi trường có kiểm soát vào các môi trường không kiểm soát, bao gồm cả vùng trời – không gian mà máy bay không người lái và các thiết bị bay (drone) đang chiếm cứ. Gartner dự báo sẽ sớm có nhiều tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực này.

Kiến trúc về An ninh thích nghi (Adaptive Security Architecture)

Với đa số các CIO, an ninh, bảo mật là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là với sự gia tăng của các công ty bị tấn công. Theo truyền thống thì chiến lược chung là thực hiện phòng thủ, nhưng Gartner dự đoán rằng các công cụ khác sẽ phát triển để có thể tấn công ngược các cuộc tấn công, tận dụng mô hình dự đoán, ví dụ, cho phép các ứng dụng tự bảo vệ mình. Gartner nhấn mạnh rằng công ty phải xây dựng và áp dụng an ninh, bảo mật vào tất cả các quá trình kinh doanh (end-to-end).

Kiến trúc quản trị khách hàng tiên tiến (Advanced Customer Architecture)

Sự kết hợp của khách hàng luôn kết nối và giao tiếp người máy là nền tảng của sự “đột phá kỹ thuật số” (Digital Disruption). Một thách thức lớn cho tất cả các doanh nghiệp, là phải thích ứng với các giá trị, chiến lược và kiến trúc mới.

Gartner lưu ý rằng các công ty đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ bắt chước cách tư duy giống bộ não con người. Ví dụ nổi bật của điều này như Facebook dùng FB Deepface với công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Mạng lưới ứng dụng và Kiến trúc Dịch vụ (Mesh App and Service Architecture)

Ứng dụng khác nhau đang được xây dựng để được “cắm với nhau” (Plugeable), sử dụng kết hợp với nhau, và giá trị của sự kết hợp ấy lớn hơn nhiều so với tổng các phần riêng lẻ của các ứng dụng. Ví dụ như công ty Lyft đã tích hợp các dịch vụ so sánh giá ở nhiều nước khác nhau, cung cấp thông tin cho các khách hàng thường xuyên du lịch nước ngoài.

Kiến trúc nền tảng của Internet của Sự vật (Internet of Things Architecture and Platforms)

Gartner chỉ ra rằng các nhà cung cấp Internet của sự vật đang bị phân mảnh do không có chuẩn thống nhất chung về IoT. Vấn đề này sẽ vẫn tồn tại cho đến năm 2018, và các phòng ban IT có khả năng sẽ mua thêm các giải pháp dùng một lần thay vì mua các sản phẩm giải pháp tích hợp được với nhau, làm việc trên một chuẩn chung, giải pháp mà sẽ phục vụ họ tốt hơn. Nếu như các lãnh đạo CNTT kêu gào và nhấn mạnh sự thống nhất các nền tảng kiến trúc IoT thì sự thay đổi sẽ đến nhanh hơn, Gartner nhận định. Khi xây dựng được một nền tảng chung, một hệ sinh thái tốt hơn trong đó dữ liệu được chia sẻ rộng rãi hơn, họ sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Đào Trung Thành, Chuyên gia tư vấn Viễn thông và CNTT- MVV Group